[Đăng ngày: 03/04/2024]

Từ năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới đã hướng dẫn chính sách ăn giảm Natri cho cộng đồng với 5 cấu phần là giám sát, hợp tác, dán nhãn, thông tin truyền thông và môi trường hỗ trợ.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, cần giám sát, theo dõi mức độ sử dụng Natri, tiêu thụ các thực phẩm có Natri, đánh giá hiệu quả các can thiệp giảm Natri, giảm muối trong cộng đồng. Để đạt được mục tiêu, cần khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất giảm lượng Natri trong các thực phẩm bao gói sẵn, cần quy định lượng Natri tối đa trong 100 gam thực phẩm, áp dụng các biện pháp giảm Natri trong công thức chế biến, thay thế Natri bằng gia vị khác trong thực phẩm.

Các nhà sản xuất cần nghiêm túc thực hiện quy định dán nhãn công bố lượng Natri trong thực phẩm, giúp cho người tiêu dùng biết được thực phẩm nào nhiều Natri, có cảnh báo sức khỏe cho việc ăn thừa Natri, thừa muối cho cộng đồng.

Cần đẩy mạnh họat động thông tin, truyền thông, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ, thay đổi hành vi, giảm bớt lượng Natri, muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các cơ quan, đơn vị cần triển khai chương trình can thiệp giảm Natri, giảm muối cho hộ gia đình, trường học, nơi làm việc và trong các cơ sở y tế.

Hiện nay có những quốc gia đã đưa ra những khuyến nghị giảm lượng Natri ăn vào, cụ thể hóa bằng những chính sách, có quốc gia đưa ra hẳn Luật về giảm Natri, mục tiêu bắt buộc về giảm lượng Natri tiêu thụ, hạn chế những họat động tiếp thị thực phẩm có hàm lượng Natri cao nhất là đối với trẻ em, bắt buộc việc ghi nhãn dinh dưỡng có ghi hàm lượng Natri trong thực phẩm, đưa ra những chính sách giúp điều chỉnh công thức chế biến thực phẩm để giảm lượng Natri có lợi cho sức khỏe cộng đồng.

Ở Châu Âu, theo quy định 1924/2006, cho phép những tuyên bố dinh dưỡng liên quan đến Natri sau đây:

- Không chứa Natri hoặc không chứa muối: chỉ được tuyên bố thông tin này trên nhãn thực phẩm khi sản phẩm chứa không quá 0,005g Natri hoặc giá trị tương đương của muối trên 100g.

- Natri/muối rất thấp nghĩa là sản phẩm chứa không quá 0,004g Natri hoặc giá trị tương đương của muối trên 100g hoặc 100ml.

- Natri/muối thấp nghĩa là sản phẩm chứa không quá 0,12g Natri hoặc giá trị tương đương của muối trên 100g hoặc 100ml. Nước uống không vượt quá 2mg Natri/100ml.

- Không thêm Natri/muối nghĩa là sản phẩm không chứa bất kỳ lượng Natri/muối bổ sung nào hoặc bất kỳ thành phần nào khác có chứa Natri/muối bổ sung và sản phẩm chứa không quá 0,12g Natri hoặc giá trị tương đương của muối trên 100g hoặc 100ml.

- Giảm Natri/muối nghĩa là lượng Natri giảm ít nhất 25% so với sản phẩm tương tự.

Những thực phẩm có hàm lượng Natri hoặc muối thấp thì được phép tuyên bố “Giảm tiêu thụ Natri góp phần duy trì huyết áp bình thường”.

Ở một số nước Châu Á, nhấn mạnh một số biện pháp để giảm Natri như điều chỉnh công thức chế biến các sản phẩm thực phẩm, ghi nhãn dinh dưỡng cho tất cả thực phẩm đóng gói sẵn, không khuyến khích bán thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng Natri cao trong trường học và cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tại nơi làm việc, tổ chức những chiến dịch truyền thông ăn giảm muối, Natri.

Có những nước áp dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm hạn chế lượng Natri trong thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế nhập khẩu thực phẩm chế biến có hàm lượng Natri cao; tăng cường thực phẩm lành mạnh có hàm lượng Natri thấp cung cấp trên tàu lửa, tại các nhà ga, bến xe; áp dụng thuế thực phẩm đối với sản phẩm có lượng Natri cao.

Ở Việt Nam, ngày 30/3/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 và đề ra chỉ tiêu giảm 30% lượng muối tiêu thụ/người/ngày.

Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 đề ra chỉ tiêu giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của dân số (15-49 tuổi) xuống dưới 8g/ngày (tương đương 3.200mg Natri/ngày) vào năm 2025 và dưới 7g/ngày (tương đương 2.800mg Natri/ngày) vào năm 2030.

Ngày 28/3/2018, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2033/QĐ-BYT về kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018-2025. Theo đó, đến năm 2025 đạt các chỉ tiêu:

- 30% các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ ăn uống thực hiện giảm muối/Natri trong chế biến thực phẩm và nấu ăn.

- Trên 30% các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm bao gói sẵn có ít nhất 1 sản phẩm được giảm muối và dán nhãn sản phẩm công bố hàm lượng muối, chỉ báo thực phẩm có nhiều muối và cảnh báo sức khỏe của ăn nhiều muối.

Ngày 29/1/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025. Ngày 30/12/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 29/2023/TT-BYT hướng dẫn cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm, công bố hàm lượng Natri./.

Tường Huân

 

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 5

Số lượt truy cập: 9131965

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang