[Đăng ngày: 22/04/2023]

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó có những biến chứng ở bàn chân. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi, tàn phế của bệnh nhân đái tháo đường, đe dọa sức khỏe và tâm lý của người bệnh đồng thời gây ảnh hưởng nặng nề đến gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Bàn chân đái tháo đường là biến chứng phức tạp của bệnh đái tháo đường. Biến chứng này được mô tả ban đầu với các vết loét đơn giản, nhiễm trùng, lâu lành và gây hệ quả lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống cũng như sinh mạng của người bệnh. 

Biến chứng bàn chân đái tháo đường thường do tình trạng tổn thương mạch máu bao gồm: xơ vữa hẹp mạch máu, giảm tưới máu, tổn thương thần kinh với những rối loạn dinh dưỡng, rối loạn dẫn truyền thần kinh, tổn thương biến dạng xương, viêm xương của bàn chân đái tháo đường cùng với các yếu tố như: vết trầy xước, mất da nhiễm trùng…

Biến chứng bàn chân đái tháo đường có thể xảy ra với người mới bị hay bệnh lâu năm. Yếu tố nhiễm trùng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tình trạng xấu của bàn chân đái tháo đường. 

Các yếu tố như: biến chứng mạch máu, tình trạng giảm tưới máu, tổn thương thần kinh với các rối loạn cảm giác cũng là yếu tố làm người bệnh khó chịu, đôi khi không chịu đựng được giảm chất lượng cuộc sống, các yếu tố này cũng làm cho người bệnh có những can thiệp không đúng như: bôi thuốc, ngâm nước nóng, ngâm thuốc hay các can thiệp khác dẫn đến kết quả xấu của bàn chân. 

Nguyên nhân gây ra các biến chứng ở bàn chân

Có nhiều nguyên nhân gây loét bàn chân đái tháo đường nên sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Loét bàn chân đái tháo đường thường xuất hiện trên nhóm người đái tháo đường có các biến chứng mạch máu, thần kinh, có thể có tổn thương biến dạng xương bàn chân charcot trên người đái tháo đường. Các biến chứng này thường liên quan đến tình trạng kiểm soát đường huyết, kiểm soát các yếu tố xơ vữa mạch máu lâu dài.

Tình trạng kiểm soát đường huyết, kiểm soát lipid kém liên quan chặt chẽ với biến chứng thần minh và mạch máu được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên người bệnh đái tháo đường. 

Các yếu tố thuận lợi có thể gây tổn thương trên bàn chân đái tháo đường như: Không chăm sóc vệ sinh bàn chân; Thói quen đi chân trần dễ giẫm đạp dị vật; Cắt móng chân, cắt da không đúng cách gây tổn thương ngón chân tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng; Mang giày dép chật, cứng dễ cọ sát, gây tổn thương chân; Các can thiệp không đúng cách trên bàn chân như: bôi dầu nóng, ngâm nước nóng, sử dụng các thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau trên bàn chân đái tháo đường.

Ngoài ra, các yếu tố cũng ảnh hưởng trên vết thương, tình trạng vết loét, nhiễm trùng bệnh nhân đái tháo đường như: Thói quen hút thuốc lá; Tình trạng kiểm soát đường huyết kém; Thừa cân béo phì; Tình trạng suy giảm sức đề kháng, miễn dịch.

Triệu chứng loét bàn chân bệnh đái tháo đường

Người bệnh đái tháo đường kiểm soát kém có các biến chứng, triệu chứng có thể biểu hiện sớm như: cảm giác tê buốt bàn chân, mất cảm giác bàn chân, cảm giác đi khô ráp như đi trên cát, hay đi chân mang bao nylon, hoặc cảm giác bàn chân lạnh buốt do giảm tưới máu, đôi khi cảm giác nóng do viêm xương hay nhiễm trùng. 

Triệu chứng toàn thân của tình trạng vết thương bàn chân đái tháo đường như: các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt cao, nặng hơn có thể dẫn đến các bệnh cấp tính của nhiễm trùng toàn thân, kèm với các triệu chứng của tăng đường huyết.

Người bệnh có thể có kèm theo các triệu chứng của bệnh sẵn có trên người cao tuổi như: cao huyết áp, đau nhức xương khớp, đi lại khó khăn.

Phòng ngừa biến chứng bàn chân đái tháo đường

Người đái tháo đường cần điều trị tích cực, thường xuyên với mục tiêu kiểm soát được đường huyết, các yếu tố khác như: huyết áp, tình trạng lipid máu là điều cơ bản nhất trong việc phòng ngừa biến chứng chung và biến chứng bàn chân đái tháo đường. 

Người mắc bệnh đái tháo đường nên:

- Có chế độ ăn uống phù hợp với người đái tháo đường.

- Duy trì vận động thể dục đều đặn.

- Tuân thủ chế độ dùng thuốc, lịch khám.

- Theo dõi đường huyết hằng ngày.

- Thường xuyên giữ vệ sinh tay chân, tự theo dõi quan sát bàn chân để phát hiện các vết nứt da, phồng rộp da, vết chai mới phát hiện.

- Vệ sinh bàn chân với nước sạch, xà phòng, lau khô bằng khăn mềm bàn chân và các kẽ ngón chân, tránh gây tổn thương da ngay sau rửa chân. 

- Chọn giày dép phù hợp bảo vệ bàn chân. 

- Bỏ thuốc lá, các thói quen bất lợi cho sức khỏe.

- Khi có các triệu chứng tê nhức bàn chân nghi do biến chứng của đái tháo đường, cần đến thầy thuốc để khám ngày, tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc. 

Các điều lưu ý nên tránh:

- Không đi chân trần, mang giày dép chật, cắt móng không đúng phương pháp.

- Không tự cắt hay dùng thuốc xử lý các vết chai chân mà không có ý kiến của thầy thuốc.

- Không ngâm chân trong nước, nước nóng hay nước có sử dụng các cây lá  khi có triệu chứng đau nhức mà không được nghe khuyến cáo của thầy thuốc.

- Không sử dụng các biện pháp bảo vệ hay điều trị vấn đề bàn chân mà không được trao đổi, khuyến cáo của thầy thuốc.

- Tránh hút thuốc. Hút thuốc ảnh hưởng xấu đến lưu lượng máu đến các mô, điều này có thể làm cho các vấn đề về chân trở nên tồi tệ hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Việc chăm sóc, phòng ngừa, điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường là một vấn đề phức tạp. Cần sự hợp tác của người đái tháo đường và thầy thuốc.

Theo các chuyên gia nội tiết, khi mắc bệnh đái tháo đường ở bất cứ thể nào người bệnh cũng nên đến bệnh viện để được bác sĩ khám định kỳ. Đặc biệt, nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau thì cần lập tức đến bệnh viện ngay như: thay đổi màu da trên bàn chân, sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân, thay đổi nhiệt độ ở bàn chân, vết loét dai dẳng trên bàn chân, đau hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc mắt cá chân, móng chân mọc ngược, bệnh nấm da chân hoặc các bệnh nhiễm trùng nấm khác ở bàn chân, da khô, nứt nẻ ở gót chân, dấu hiệu nhiễm trùng, xuất hiện màu đen và có mùi hôi, có thể bị hoại tử…Hãy nhớ rằng, kiểm soát lượng đường trong máu qua ăn uống khoa học, luyện tập, dùng thuốc và chăm sóc bàn chân của bạn hàng ngày là những bước tốt nhất người bệnh có thể làm để ngăn ngừa các vấn đề nghiêm trọng về chân do tiểu đường.

Tường Huân

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 9

Số lượt truy cập: 9141963

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang