[Đăng ngày: 23/05/2023]

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, trong 3 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã phát hiện mới 515 trường hợp đái tháo đường. Tổng số bệnh nhân đái tháo đường toàn tỉnh đang được quản lý là 13.964 người, trong đó có 5.929 bệnh nhân đái tháo đường điều trị đạt được đường máu theo mục tiêu đề ra.

Ước tính có khoảng 19-34% người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị loét bàn chân do đái tháo đường. Biến chứng loét bàn chân do đái tháo đường tác động tiêu cực đến sức khỏe và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh đái tháo đường.

Tăng glucose máu mạn tính là nguy cơ gây ra một số biến chứng động mạch nhỏ và lớn. Các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, tình trạng đề kháng Insulin sẽ làm tăng khả năng gây ra biến chứng loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường.

Khi có tình trạng loét bàn chân do đái tháo đường, bệnh nhân cần được thăm khám để đánh giá mức độ, giai đoạn của tổn thương, về khả năng tưới máu, độ sâu của vết loét, tình trạng mất cảm giác bảo vệ ở bàn chân bị loét, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp.

Nguyên tắc điều trị bệnh nhân loét bàn chân do đái tháo đường là làm lành vết loét, cải thiện tình trạng tưới máu, chống nhiễm trùng. Cùng với đó người bệnh cần được điều trị tốt bệnh đái tháo đường, các bệnh lý kèm theo nếu có như tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, bổ sung dinh dưỡng phù hợp.

Trong những trường hợp việc điều trị không mang lại kết quả, thiếu máu ở chi bị tổn thương trầm trọng, vết loét bị nhiễm trùng, bệnh nhân đau đớn, viêm xương, tủy xương điều trị không hiệu quả, các bác sĩ sẽ có chỉ định cắt cụt chi.

Khi mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh cần được khám và đánh giá và có biện pháp dự phòng biến chứng bàn chân do đái tháo đường.

Nếu không mất cảm giác bảo vệ, không có bệnh động mạch ngoại biên cần theo dõi, bệnh nhân đái tháo đường nên khám sàng lọc biến chứng bàn chân đái tháo đường mỗi năm. Nếu có nguy cơ loét bàn chân do đái tháo đường ở mức thấp phải theo dõi khám sàng lọc mỗi 6-12 tháng, nếu nguy cơ loét ở mức trung bình cần khám sàng lọc mỗi 3-6 tháng, nếu nguy cơ loét ở mức cao thì việc khám sàng lọc theo dõi thực hiện mỗi 1-3 tháng.

Người bệnh đái tháo đường hoặc người thân của người bệnh cần thực hiện kiểm tra bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường hàng ngày. Nội dung kiểm tra là quan sát toàn bộ bề mặt của cả hai bàn chân, quan sát khu vực giữa các ngón chân. Nếu có dấu hiệu sưng, nóng, nổi mụn nước, vết cắt, vết xước, vết loét cần báo ngay cho bác sĩ.

Bệnh nhân đái tháo đường không đi chân trần, không đi giày quá chật, có mép gồ ghề hoặc đường may không đều. Cần nhìn kỹ và sờ bằng tay vào bên trong giày trước khi mang, nếu có gì bên trong giày cần loại bỏ ra, không nên đi dép đế mỏng dù ở nhà hay đi ra ngoài.

Đối với vớ, nên mang vớ không có đường may, không mang vớ quá chật hoặc vớ cao quá đầu gối, cần thay vớ hàng ngày.

Bệnh nhân đái tháo đường cần rửa bàn chân hàng ngày, nhiệt độ nước dưới 37 độ C, lau khô cẩn thận đặc biệt giữa các ngón chân. Bệnh nhân không nên sử dụng các loại máy sưởi, bình nước nóng để sưởi ấm chân, không sử dụng các chất hóa học, bột trét để tẩy các vết chai ở bàn chân.

Trường hợp có sử dụng chất làm mềm da để bôi trơn vùng da khô nhưng không bôi vào giữa các ngón chân.

Cắt móng chân cần cắt thẳng ngang.

Cần lưu ý, người bệnh loét bàn chân do đái tháo đường khi đi giày dép không phù hợp hoặc đi chân trần là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương bàn chân dẫn đến loét chân.

Khi người bệnh có bệnh lý thần kinh ngoại biên, cần mang giày dép phù hợp mọi lúc, cả ở trong nhà và ngoài trời. Chiều dài bên trong của giày phải dài hơn chân 1-2cm, không được quá chật hoặc quá lỏng, chiều rộng bên trong phải bằng chiều rộng của bàn chân ở phần rộng nhất, chiều cao phải đủ chỗ cho tất cả các ngón chân.

Nên chọn giày dép phù hợp với người bệnh ở tư thế đứng, chọn giày vào cuối ngày. Nếu không có giày dép bán sẵn phù hợp với chân nên đặt giày làm riêng, có miếng lót./.

Hồng Đăng

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 9

Số lượt truy cập: 9141963

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang