[Đăng ngày: 01/02/2023]

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thừa cân là tình trạng cân nặng vượt quá ngưỡng phù hợp với chiều cao hiện tại. Béo phì là hiện tượng tích tụ mỡ quá nhiều và không bình thường một cách cục bộ trên toàn cơ thể, béo phì ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Khi đánh giá béo phì, không chỉ quan tâm đến cân nặng mà chúng ta cần quan tâm đến tỷ lệ mỡ có trong cơ thể.

Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Thống kê hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 tỷ người bị thừa cân và béo phì, chiếm trên 30% dân số. Với mức độ gia tăng như hiện tại, vào năm 2030 sẽ có khoảng 50% dân số thế giới bị thừa cân và béo phì.

Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân và béo phì ngày càng có xu hướng trẻ hóa, hiện nay có 41 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị xếp loại béo phì và 340 triệu trẻ vị thành niên trên toàn thế giới bị béo phì.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành hiện nay là 6,6%.

Có nhiều yếu tố gây thừa cân, béo phì trong đó có yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Ngày nay, khi xã hội phát triển, sự dư thừa thức ăn kèm theo những áp lực xã hội làm mất cân bằng sự kiểm soát mức độ thèm ăn của cơ thể. Các đồ ăn nhanh, thực phẩm giàu chất béo và năng lượng kết hợp với ít hoạt động thể lực là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ béo phì ngày càng tăng.

Chế độ ăn giàu chất béo và đồ uống có đường trở nên phổ biến. Chế độ ăn giàu chất béo ít tạo được cảm giác no hơn, các loại thức ăn nhanh dần thay thế thức ăn được chế biến tại nhà.

Hoạt động thể lực cũng là yếu tố được ghi nhận. Các thống kê cho thấy có sự sụt giảm rõ rệt về hoạt động thể chất trong 50 năm qua.

Ngoài ra, các yếu tố môi trường khác như tình trạng thiếu ngủ là một thay đổi lối sống dẫn tới hậu quả trao đổi chất tiêu cực. Nguyên nhân là do thiếu ngủ gây tăng sự đói và thèm ăn và sự tăng cân là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thừa cân, béo phì gây cho người bệnh một số hậu quả không mong muốn như đái tháo đường, tim mạch, thoái hóa khớp, vô sinh, ung thư… Cụ thể:

Thừa cân, béo phì và nguy cơ đái tháo đường

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 87% người bệnh đái tháo đường bị thừa cân và béo phì. Những trẻ vị thành niên bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành. Một nghiên cứu cho thấy những người bệnh tăng cân 8 – 10kg thì nguy cơ đái tháo đường là tăng 2,7 lần.

Thừa cân, béo phì và bệnh lý tim mạch

Theo ghi nhận tình trạng thừa cân, béo phì có mối liên hệ mật thiết với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, suy tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 78% người bệnh nam giới và 60% người bệnh nữ giới cao huyết áp đều có cân nặng ở mức thừa cân hoặc béo phì.

Chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên 5 đơn vị làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp tăng lên 1,5 lần và vòng bụng tăng lên 10cm làm tăng nguy cơ cao huyết áp lên 1,25 lần.

Thừa cân, béo phì và thoái hóa khớp

Thực tế cho thấy những người béo phì thường thoái hóa khớp hoặc mắc các bệnh lý xương khớp sớm hơn những người có số cân lý tưởng. Với thoái hóa khớp thì người bệnh béo phì có nguy cơ thoái hóa khớp háng và phải phẫu thuật thay khớp tăng gấp 1,12 lần so với các người bệnh có thể trọng bình thường.

Ngoài ra béo phì làm tăng tỷ lệ vô sinh ở nữ giới. Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở phụ nữ là do thay đổi chức năng của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Béo phì làm tăng insulin máu do đó có liên quan mật thiết với cơ chế bệnh sinh của buồng trứng đa nang.

Bên cạnh đó, béo phì làm giảm nồng độ testosterone trong máu ở nam giới qua đó làm tăng tỷ lệ rối loạn cương dương và vô sinh ở nam, giảm số lượng và chất lượng của tinh trùng.

Một trong các hậu quả khác của béo phì là ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Họ bị phân biệt, kỳ thị về cân nặng dẫn đến tổn hại về thể chất và tâm lý. Béo phì còn làm tăng nguy cơ các bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản và tăng nguy cơ tử vong hơn.

Không chỉ gây tác động lên cá nhân bị thừa cân và béo phì mà nó còn ảnh hưởng tới kinh tế xã hội vì phải dành chi phí cho việc điều trị bệnh và các bệnh liên quan, gián tiếp giảm năng suất lao động do bệnh lý kèm theo và cảm giác không thoải mái trong cuộc sống như bức bối về mùa hè, tê buốt chân tay… làm giảm hiệu suất lao động.

Theo các chuyên gia, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh,… Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường.

Hội nghiên cứu Béo phì quốc tế đã kết hợp với Viện nghiên cứu Đái tháo đường quốc tế, cơ quan khu vực Thái Bình Dương của WHO đã đưa ra khuyến nghị về chỉ số BMI đối với những người thừa cân và béo phì ở Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) như sau:

  • Thừa cân: Giá trị BMI ≥ 23
  • Tiền béo phì: 23 < BMI < 24,9
  • Béo phì mức I: 25 < BMI < 29,9
  • Béo phì mức II: BMI ≥ 30,0

Vì vậy, những bệnh nhân béo phì có BMI trên 35 hoặc BMI trên 30 kèm theo bệnh lý đái đường thì mục tiêu cần đạt được lên tới 15- 20% trọng lượng cơ thể.

Có nhiều loại chế độ ăn: Chế độ ăn giảm năng lượng hay giảm béo; Chế độ ăn giảm năng lượng nhiều protein; Chế độ ăn rất thấp calo (< 1000 kcal/ngày).

Ngoài ra, cần tăng hoạt động thể lực hàng ngày để giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả. Hiệu quả giảm cân của việc hoạt động thể lực hay tập thể dục thay đổi tùy mức độ và thời gian tập luyện, mức độ giảm cân cũng thay đổi tùy thuộc từng bệnh nhân. Đặc biệt không nên tự mua và sử dụng các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc trên thị trường vì sẽ gây ra những biến chứng và tác dụng không mong muốn có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.

Ngày 22/10/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2892/QĐ-BYT về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước. Các nội dung chính của Hướng dẫn tập trung vào các nguyên nhân gây nên bệnh béo phì; Chẩn đoán thừa cân, béo phì; xác định các dạng béo phì; các nguyên tắc chung trong điều trị béo phì và hướng dẫn điều trị bằng dinh dưỡng, vận động, tâm lý, thuốc và điều trị phẫu thuật trong béo phì. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì.

Lâm Quyên (Theo SKĐS)

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 8

Số lượt truy cập: 9141957

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang