[Đăng ngày: 03/05/2023]

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định ( có thể thiếu thậm chí thừa). Nếu người bị ĐTĐ kiểm soát được lượng đường trong máu và thường xuyên theo dõi tốt thì chắc chắn lượng đường nằm trong mức an toàn gần như người bình thường.

Trước đây nhiều người cho rằng, bệnh ĐTĐ chỉ gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay độ tuổi mắc bệnh ĐTĐ đang có dấu hiệu trẻ hóa.

Dựa vào đặc điểm và diễn biến của bệnh có thể chia ĐTĐ ra các loại gồm: ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2, ĐTĐ thứ phát và ĐTĐ thai kỳ.

Các biểu hiện của bệnh ĐTĐ giai đoạn đầu rất khó xác định, do không điển hình và dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh ĐTĐ có thể từ rất nhẹ thậm chí không có triệu chứng gì. Một số người không phát hiện ra họ bị bệnh nặng hoặc có nhiều biến chứng thì mới phát hiện ra.

Tuy nhiên, nếu quan tâm và biết cách kiểm soát tốt sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh ĐTĐ từ rất sớm.

Việc phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời và liên tục, sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý thận gây suy thận, bệnh lý mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi và các biến chứng nghiêm trọng…Dưới đây là những dấu hiệu sớm giúp nhận biết được căn bệnh này

Biểu hiện khát nước và uống nước nhiều

Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh ĐTĐ thường thấy là người bệnh sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt với tình trạng khát nước, uống nhiều nước do mất nước, do hoạt động nhiều, do thời tiết nắng nóng... cũng sẽ khiến khát nước nhiều hơn.

Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu tăng cao

Biểu hiện thường thấy ở bệnh ĐTĐ là tình trạng đi tiểu nhiều. Nếu thấy xuất hiện tình trạng đi tiểu nhiều, cùng với lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, chất lượng nước tiểu bình thường, tiểu không gắt buốt… đó là dấu hiệu sớm nghĩ đến căn bệnh này.

Người mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu kém

Đây là biểu hiện khiến nhiều người không nghĩ đến mắc bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, trong giai đoạn mắc căn bệnh này, lượng glucose vẫn sẽ lưu thông trong cơ thể. Nhưng do thiếu insulin, glucose sẽ không được chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Mặt khác, vì mất nhiều năng lượng do đào thải glucose qua đường tiểu, nên sẽ dẫn đến sự mệt mỏi quá mức của cơ thể, khiến người bệnh bị suy nhược. Vì vậy, khi có biểu hiện khát nước và mệt mỏi thường xuyên, cơ thể yếu... thì cần đi khám để xác định nguyên nhân, rất có thể bạn đã mắc bệnh ĐTĐ.

Có biểu hiện sụt cân

Sụt cân là biểu hiện khó nhận thấy, vì mọi người thường cho rằng ăn uống kém hoặc có chế độ ăn kiêng khem nên sẽ có tình trạng bị giảm cân. Tuy nhiên, nếu ăn uống bình thường hoặc ăn uống nhiều, không có sự thay đổi về tập luyện hoặc làm việc mà bị sụt cân thì hãy nghĩ đã mắc bệnh đái tháo đường hoặc một căn bệnh nghiêm trọng nào khác.

Nếu mắc bệnh ĐTĐ thì tình trạng glucose trong máu tăng cao, không thể sử dụng để chuyển hóa năng lượng được, nên chất béo sẽ là nguồn thay thế để tạo ra năng lượng cho cơ thể. Điều này dẫn đến sụt cân đột ngột. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, mà lại gầy và sụt cân nhanh.

Thị lực giảm sút

Ngày nay, khi nhiều người sử dụng các thiết bị điện tử như tivi. máy tính, điện thoại… nên việc thị lực bị giảm sút thì chủ quan và không nghĩ mình mắc bệnh. Tuy nhiên, ở bệnh ĐTĐ sẽ có biểu hiện thị lực không còn rõ như trước, hình ảnh mờ nhạt dần, nhòa không rõ.

Vì vậy, nếu thị lực giảm hoặc kết hợp các biểu hiện như khát nước, sụt cân... thì cần đi khám mắt và kiểm tra đường huyết, để xác định bệnh ĐTĐ có ảnh hưởng đến mạch máu võng mạc hay không.

Biểu hiện viêm nướu

Nếu mắc bệnh ĐTĐ, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, khiến cho cơ thể yếu đi và khó chống lại vi khuẩn. Khi đó, lợi là nơi nhận ảnh hưởng nhiều nhất, viêm nướu, viêm họng… sẽ diễn ra thường xuyên.

Xuất hiện nhiều vết thâm nám

Khi mắc bệnh ĐTĐ, da cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ thường thấy trên da xuất hiện nhiều vết thâm sẫm màu ở một số vùng, đặc biệt là ở những nơi có nếp nhăn hoặc nếp gấp da.

Vết thương lâu lành

Bệnh ĐTĐ là bệnh do rối loạn chuyển hóa, nên khi mắc bệnh thì hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn thương, tổn thương lòng mạch, tắc mạch máu hoại tử, vì thế dẫn đến việc các vết thương ngoài da khó lành, đôi khi hoại tử hoặc nhiễm trùng.

Theo các chuyên gia, bệnh ĐTĐ có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp. Điều chỉnh chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên là rất quan trọng đối với người mắc bệnh ĐTĐ.

Khi bị ĐTĐ, người bệnh cần theo dõi nghiêm túc chế độ ăn uống của mình để ngăn chặn lượng đường trong máu tăng quá cao. Điều này thường có nghĩa là theo dõi lượng carbohydrate cũng như hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ. Bác sĩ sẽ đưa cho một phác đồ điều trị để giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu nghi ngờ cơ thể có những triệu chứng của bệnh ĐTĐ, đừng ngần ngại hãy đến gặp bác sĩ. Khi bệnh được điều trị sớm thì việc kiểm soát bệnh sẽ hiệu quả hơn, đây cũng là chìa khóa để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Văn Hanh

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 6

Số lượt truy cập: 9141947

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang