[Đăng ngày: 15/04/2024]

PrEP và PEP là 2 khái niệm phổ biến trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Dưới đây là sự phân biệt giữa điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP).

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) là dùng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) cho những người bị phơi nhiễm với HIV. Việc điều trị sau phơi nhiễm cần được thực hiện càng sớm càng tốt, tốt nhất trong vòng 24 giờ và không muộn hơn 72 giờ sau phơi nhiễm. Phơi nhiễm có thể xảy ra trong môi trường nghề nghiệp và ngoài môi trường nghề nghiệp.

Thuốc sử dụng điều trị PEP là thuốc kháng virus HIV có 3 hoạt chất.

Chỉ định điều trị PEP

 * Dùng cho trường hợp có phơi nhiễm HIV trong vòng 72 giờ.

Phơi nhiễm với HIV là việc tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của người nhiễm HIV. Trường hợp dùng chung bơm kim tiêm và hoặc quan hệ tình dục không an toàn với người có nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc không rõ tình trạng nhiễm HIV có thể được xem như phơi nhiễm với HIV. Các dạng phơi nhiễm thường gặp:

- Kim đâm xuyên da khi làm thủ thuật, tiêm truyền, lấy máu làm xét nghiệm, chọc dò.

- Vết thương do dao mổ và các dụng cụ sắc nhọn khác có dính máu hoặc dịch sinh học của người bệnh.

- Tổn thương qua da do ống đựng máu hoặc dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào.

- Máu, chất dịch cơ thể của người bệnh dính vào các vùng da bị tổn thương hoặc niêm mạc (mắt, mũi, họng).

- Sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma túy.

- Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV hoặc người không rõ tình trạng HIV hoặc bị hiếp dâm, cưỡng dâm.

* Không điều trị PEP cho những trường hợp sau:

- Người bị nhiễm HIV.

- Người bị phơi nhiễm nhưng nguồn gây phơi nhiễm được xác định là HIV âm tính.

- Phơi nhiễm với các dịch cơ thể không có nguy cơ lây nhiễm như nước mắt, dịch nước bọt, nước tiểu và mồ hôi.

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. Theo hướng dẫn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS của Bộ Y tế năm 2021, PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

Thuốc sử dụng trong PrEP là một loại thuốc kháng virus HIV có chứa 2 hoạt chất.

Thời gian bắt đầu sử dụng:

- Đối với nam không sử dụng hormone khẳng định giới: Hiệu quả bảo vệ tối đa sau 2-24 giờ nếu bắt đầu liều 2 viên hoặc 7 ngày nếu uống mỗi ngày 1 viên.

 - Đối với nữ có nguy cơ nhiễm HIV hoặc người có nguy cơ nhiễm HIV qua đường máu: PrEP chỉ có tác dụng bảo vệ tối đa sau khi sử dụng thuốc đầy đủ và liên tục trong 7 ngày.

Chỉ định PrEP:

 * Những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ nhiễm HIV cao, bao gồm những người có một trong các yếu tố sau trong vòng 6 tháng qua:

- Quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su với ít nhất hai bạn tình trở lên.

- Có bạn tình có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc không rõ yếu tố nguy cơ nhiễm HIV.

- Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV > 200 bản sao/mL hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV.

- Có tiền sử mắc hoặc đang điều trị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

- Đã từng điều trị PEP và vẫn có hành vi nguy cơ cao.

- Sử dụng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.

* Không chỉ định PrEP nếu có một trong các tiêu chí sau:

- Người bị nhiễm HIV.

- Có triệu chứng của Hội chứng nhiễm HIV cấp hoặc có khả năng mới nhiễm HIV.

- Dị ứng hoặc có chống chỉ định với bất kỳ thuốc nào trong phác đồ PrEP.

- Không sử dụng thuốc chứa TDF khi độ thanh thải creatinin <60 mL/phút và/hoặc cân nặng dưới 35 kg.

Tóm lại, PEP và PrEP đều là các phương pháp dùng thuốc kháng retrovirus HIV, nhưng chúng được sử dụng trong các tình huống và mục đích khác nhau:

PEP (Dự phòng sau phơi nhiễm)

- PEP được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp sau khi có tiếp xúc với HIV.

- Thuốc PEP bao gồm 3 hoạt chất kháng retrovirus HIV, tương tự như các loại thuốc được sử dụng để điều trị người nhiễm HIV. Việc sử dụng PEP cần bắt đầu càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ sau sự kiện tiếp xúc và được duy trì trong một thời gian nhất định, thường là 28 ngày.

PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm)

- PrEP được sử dụng trước khi có nguy cơ tiếp xúc với HIV

- Thuốc PrEP chỉ bao gồm 2 hoạt chất kháng retrovirus HIV. PrEP được sử dụng hàng ngày hoặc theo tình huống để ngăn chặn sự lây nhiễm HIV và thường được kết hợp với các biện pháp phòng ngừa khác như sử dụng bao cao su.

 

Quốc Huy

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 4

Số lượt truy cập: 9131983

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang