[Đăng ngày: 02/04/2024]

1. PrEP dùng để điều trị nhiễm HIV

Mặc dù thuốc dùng trong liệu pháp PrEP là thuốc kháng virus HIV, tuy nhiên điều trị PrEP không đồng nghĩa là điều trị người nhiễm HIV. Sử dụng PrEP là biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với người có nguy cơ nhiễm cao (người quan hệ với nhiều bạn tình, người quan hệ không an toàn…). 

Nói cách khác, PrEP chỉ dành cho người chưa nhiễm HIV và được sử dụng trước khi tiếp xúc với nguy cơ nhiễm HIV. Thuốc PrEP cũng không phải là vắc xin phòng HIV, thuốc này cần sử dụng hằng ngày và sẽ mất tác dụng sau khi ngừng thuốc một thời gian.

2. PrEP chỉ dành cho người đồng tính nam

Thực tế là PrEP dành cho bất kỳ ai chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ nhiễm HIV cao như quan hệ tình dục không an toàn hoặc sử dụng ma túy qua đường tiêm chích. Theo Hướng dẫn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS năm 2021 của Bộ Y tế, các yếu tố nguy cơ cao xem xét chỉ định PrEP là có một trong các yếu tố dưới đây trong vòng 6 tháng qua:

- Quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su với từ hai bạn tình trở lên;

- Bạn tình có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc không rõ yếu tố nguy cơ nhiễm HIV;

- Bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV hơn 200 bản sao/mL hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV;

- Có tiền sử mắc hoặc đang điều trị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;

- Đã từng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) và vẫn có hành vi nguy cơ cao;

- Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích;

3. PrEP có tác dụng phụ nặng

Thực tế, PrEP được coi là một phương pháp an toàn. Các tác dụng phụ mà PrEP có thể gây ra thường là nhẹ nhàng, bao gồm đau đầu, buồn nôn, hoặc tiêu chảy…. Những triệu chứng này thường sẽ tự khỏi sau một thời gian.

Mặc dù hiếm khi xảy ra, việc sử dụng PrEP trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về gan, thận, hoặc xương. Đối với những trường hợp này, việc sử dụng các loại thuốc này có thể không an toàn và cần được thảo luận và giám sát kỹ lưỡng từ bác sĩ.

4. Sử dụng PrEP là đủ để đảm bảo quan hệ tình dục an toàn

PrEP không đảm bảo ngăn chặn 100% nguy cơ lây nhiễm HIV. Mặc dù là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nhưng PrEP không loại trừ hoàn toàn khả năng lây nhiễm virus HIV.  Nhưng nếu bạn tuân thủ đúng hướng dẫn bác sĩ, PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97%.

Ngoài ra, sử dụng PrEP không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai, viêm gan B… Chính vì vậy, việc kết hợp PrEP với các biện pháp bảo vệ khác như sử dụng bao cao su là cần thiết để giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh này.

Bạn cũng cần lưu ý rằng PrEP không phải là biện pháp tránh thai. Do đó, phụ nữ vẫn có thể mang thai nếu quan hệ tình dục mà chỉ sử dụng PrEP mà không có biện pháp tránh thai khác. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc thảo luận với bác sĩ về các phương pháp phòng ngừa và bảo vệ là rất quan trọng.

5. Bạn phải dùng PrEP mỗi ngày

Điều này phụ thuộc vào hình thức PrEP bạn sử dụng. Đối với PrEP dạng đường uống, đa số sẽ là hình thức sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên, nếu không quan hệ tình dục thường xuyên, bạn có thể sử dụng thuốc PrEP theo tình huống thay cho việc dùng mỗi ngày. Đối với chế độ này, bạn sử dụng theo công thức 2 + 1 + 1, nghĩa là:

- Uống 2 viên (liều đầu tiên): trước khi quan hệ tình dục từ 2 - 24 giờ. 

- Uống viên thứ 3: sau 24 giờ tính từ khi uống liều đầu tiên.

- Uống viên thứ 4: sau 24 giờ tính từ khi uống liều thứ hai. 

- Nếu tiếp tục có quan hệ tình dục, người dùng tiếp tục uống mỗi ngày 1 viên và thêm 2 ngày liên tiếp sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.

6. Bạn sẽ phải dùng PrEP đến hết đời

Đối với PrEP, bạn không cần phải sử dụng suốt đời như việc điều trị HIV. Bạn có thể dừng sử dụng khi không còn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy mình lại đang đối diện với nguy cơ, bạn có thể quay lại sử dụng PrEP.

Những hiểu lầm xung quanh PrEP thường gây nhầm lẫn. Vì vậy, nếu bạn thuộc vào nhóm người có nguy cơ cao tiếp xúc với HIV, hãy tìm đến các cơ sở y tế chuyên môn để được tư vấn về việc sử dụng PrEP. Điều này giúp bạn tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV và hạn chế sự lây lan của virus trong cộng đồng. Hãy luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả khi sử dụng PrEP.

Quốc Huy

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 11

Số lượt truy cập: 9142079

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang