[Đăng ngày: 06/03/2024]

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Khánh Vĩnh, từ đầu năm 2024 đến ngày 28/02/2024, huyện Khánh Vĩnh đã ghi nhận 39 trường hợp mắc sốt rét.

Trong đó, xã Khánh Phú phát hiện 20 trường hợp tất cả là ký sinh trùng P. falciparum; xã Khánh Đông 06 trường hợp cũng đều là P. falciparum; xã Khánh Thượng phát hiện 08 trường hợp, trong đó 07 trường hợp là P.malariae, 01 trường hợp là P.vivax; xã Khánh Thành phát hiện 02 trường hợp đều là P. Malariae; xã Sơn Thái phát hiện 01 trường hợp là P. malariae; xã Cầu Bà 01 trường hợp P. falciparum.

Họp triển khai công tác phòng chống bệnh sốt rét tại TTYT huyện Khánh Vĩnh

Như vậy toàn huyện Khánh Vĩnh hai tháng đầu năm đã phát hiện 27 ca sốt rét là P. falciparum, 01 trường hợp P.vivax và 11 trường hợp là P.malariae. Riêng trong tuần 22-28/02/2024, ghi nhận 04 ca sốt rét, tại xã Cầu Bà, xã Khánh Thành và xã Khánh Thượng. Trong đó có 02 ca sốt rét ác tính tại xã Cầu Bà và xã Khánh Thành. Hiện số bệnh nhân đã xuất viện là 36 trường hợp; đang điều trị là 03 trường hợp.

Theo nhận xét của chuyên gia Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn, phân vùng dịch tễ sốt rét năm 2019, 14/14 xã, thị trấn của huyện Khánh Vĩnh đều là vùng sốt rét lưu hành nặng.

Địa hình đồi núi cao, người dân tộc Raglai sinh sống gắn liền với rẫy, rừng, có nhiều người dân ở các địa phương cũng đến làm việc trong rừng, nhất là số công nhân làm công trình xây dựng, làm đường; thiếu kiến thức phòng chống sốt rét, góp phần gia tăng nguy cơ lây nhiễm sốt rét trong cộng đồng và trong đội nhóm làm đường tại xã Khánh Phú.

Việc tiếp cận quản lý những nhóm dân cư di biến động, thực hiện công tác truyền thông phòng chống sốt rét, phát hiện sớm ca bệnh và điều trị kịp thời của trạm y tế còn gặp khó khăn; rất cần sự can thiệp bằng các giải pháp cụ thể của chính quyền huyện, xã, các ban ngành liên quan để cung cấp thông tin, phối hợp với ngành y tế để làm tốt công tác phòng chống sốt rét.

Đối với người dân tại các xã ở huyện Khánh Vĩnh, hoạt động đi rừng, ngủ rẫy là thường xuyên nhưng hành vi ngủ màn phòng chống sốt rét còn thấp, ý thức luôn phòng vệ với bệnh sốt rét còn hạn chế. Công tác truyền thông phòng chống sốt rét tại địa phương đã thực hiện qua loa, đài, vận động nhưng kết quả vẫn chưa như kỳ vọng; các chuyên gia lưu ý 2 tháng đầu huyện Khánh Vĩnh ghi nhận 27 ca sốt rét là loài ký sinh trùng P.falciparum trên tổng số 39 ca sốt rét; đây là loài ký sinh trùng sốt rét gây nguy cơ sốt rét ác tính cao.

Với những nguy cơ nêu trên, các chuyên gia sốt rét kiến nghị chính quyền địa phương cần có những giải pháp mạnh mẽ, có sự đầu tư thỏa đáng về nhân lực, kinh phí, vật tư để khống chế tình hình sốt rét đang gia tăng, không để dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn.

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Muỗi Anopheles là véc tơ truyền bệnh.

Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với ba triệu chứng rét run, sốt, vã mồ hôi có tính chu kỳ tùy theo loài ký sinh trùng; sốt rét do P.falciparum có thể gây ra sốt rét ác tính dẫn tới tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bệnh sốt rét có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh có thể phòng chống được. Đến năm 2022, Việt Nam đã có 42 tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét.

Ngày 30/8/2023, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3377/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt rét. Theo đó, trường hợp nghi ngờ sốt rét là trường hợp có sốt và có yếu tố dịch tễ. Đối với sốt, người bệnh đang sốt hoặc có tiền sử sốt trong 3 ngày gần đây; có triệu chứng điển hình của cơn sốt rét là rét run, sốt và vã mồ hôi, có tính chu kỳ. Những người bị sốt rét lần đầu tiên thường không có cơn sốt rét điển hình mà thường sốt không thành cơn (người bệnh thấy ớn lạnh, gai rét) hoặc sốt cao liên tục, sốt dao động.

Yếu tố dịch tễ là người đó đến vùng sốt rét, đang ở hoặc trở về từ vùng sốt rét lưu hành hoặc có tiền sử mắc sốt rét. Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét phải được làm xét nghiệm để phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Nếu lần đầu xét nghiệm soi lam âm tính mà vẫn còn nghi ngờ người đó bị sốt rét, phải xét nghiệm lại lam máu sau 8-24 giờ, tốt nhất là thời điểm người bệnh đang lên cơn sốt.

CBYT soi lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét

Nguyên tắc điều trị là bệnh nhân cần phát hiện, điều trị sớm bằng thuốc đặc trị đúng và đủ liều; điều trị cắt cơn sốt kết hợp chống lây lan đối với sốt rét và điều trị tiệt căn đối với sốt rét do P.vivax, P.ovale ngay từ ngày đầu tiên.

Các trường hợp sốt rét do P.falciparum không được dùng  một thuốc sốt rét đơn thuần, phải điều trị sốt rét phối hợp thuốc khác nhau để tăng hiệu lực điều trị và hạn chế kháng thuốc.

Cần kết hợp điều trị thuốc sốt rét đặc hiệu với điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng; điều trị các bệnh lý kèm theo; các trường hợp sốt rét ác tính phải điều trị ở đơn vị hồi sức cấp cứu của Bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, theo dõi chặt chẽ và hồi sức tích cực./.

Văn Hanh

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 357

Số lượt truy cập: 9142450

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang