[Đăng ngày: 06/05/2024]

Hướng dẫn bắt đầu PrEP

Nếu bạn cảm thấy có nguy cơ nhiễm HIV và PrEP có thể là một phương án phù hợp, bạn có thể tìm đến các cơ sở điều trị PrEP để được tư vấn và bắt đầu quá trình điều trị. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, có bốn cơ sở đang triển khai dịch vụ này.

Trước khi bắt đầu PrEP, bạn sẽ trải qua một quy trình đánh giá và tư vấn như sau:

Bước 1: Bạn sẽ được các tư vấn viên đánh giá nguy cơ nhiễm HIV trong 6 tháng qua, các nguy cơ xem xét để chỉ định PrEP bao gồm như: bạn thường không sử dụng bao cao su với từ 2 bạn tình trở lên khi QHTD qua đường hậu môn hoặc âm đạo, hoặc QHTD qua đường hậu môn hoặc âm đạo với 1 bạn tình nhưng bạn tình có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, hoặc QHTD qua đường hậu môn hoặc âm đạo với người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc TL HIV >200 bản sao/mL máu, hoặc có sử dụng chất gây nghiện khi QHTD qua đường hậu môn hoặc âm đạo, hoặc có tiền sử mắc hoặc điều trị các BLTQĐTD như lậu, giang mai, chlamydia hay dùng chung dụng cụ tiêm chích.

Bước 2: Thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết bởi bác sĩ, bao gồm kiểm tra HIV, viêm gan B, viêm gan C, Creatinin, và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Bước 3: Sau khi hoàn thành xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả và kê đơn thuốc PrEP nếu cần thiết.

Trong quá trình sử dụng PrEP, bạn cũng cần đến cơ sở y tế định kỳ để tái khám và làm các xét nghiệm theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ.

Quá trình này sẽ giúp đảm bảo rằng PrEP là một lựa chọn an toàn và hiệu quả cho bạn trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV. Đồng thời, nó cũng cung cấp cơ hội để theo dõi sức khỏe của bạn và đảm bảo rằng bạn đang nhận được sự chăm sóc toàn diện nhất.

Hướng dẫn kết thúc PrEP

Khi bạn quyết định kết thúc việc sử dụng PrEP, đây là một số hướng dẫn chi tiết bạn cần nhớ:

1. Trước khi dừng PrEP, hãy thảo luận với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn quy trình cụ thể.

2. Có một số trường hợp mà bạn nên ngừng sử dụng PrEP bao gồm:

Kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Bạn cảm thấy không còn nguy cơ nhiễm HIV (ví dụ chung thủy một bạn tình, bạn tình có tải lượng HIV < 200 bản sao/mL máu,….).

Bạn gặp phải các tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

3. Những việc cần làm khi bạn dừng sử dụng PrEP bao gồm:

 - Thực hiện xét nghiệm HIV.

-  Thảo luận với bác sĩ điều trị của bạn.

 Thời gian dừng PrEP:

  - Đối với việc sử dụng PrEP theo tình huống: tiếp tục sử dụng một viên PrEP mỗi ngày trong vòng 2 ngày liên tiếp sau lần quan hệ tình dục cuối cùng.

 - Đối với việc sử dụng PrEP hàng ngày: tiếp tục sử dụng PrEP trong vòng 7 ngày liên tiếp sau lần tiếp xúc cuối cùng với nguy cơ.

Nếu bạn bị viêm gan B: Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng viêm gan B của bạn và tư vấn về nguy cơ tái phát viêm gan B khi ngừng sử dụng PrEP. Bạn cũng sẽ được tư vấn về việc chuyển sang điều trị viêm gan B nếu cần.

 Bạn cũng nên giảm hành vi nguy cơ, áp dụng các biện pháp can thiệp giảm hại, sử dụng bao cao su, chất bôi trơn, tiêm chích an toàn và điều trị thay thế chất gây nghiện, nếu phù hợp.

Những hướng dẫn này sẽ giúp bạn kết thúc việc sử dụng PrEP một cách an toàn và hiệu quả, đồng thời giữ cho sức khỏe của bạn được đảm bảo và hạn chế nguy cơ nhiễm HIV.

Quốc Huy

    

  








THỜI TIẾT
Độ ẩm:
Gió:

Đang online: 3

Số lượt truy cập: 9147356

SỞ Y TẾ TỈNH KHÁNH HÒA
Khu liên cơ Số 2, 03 Hàn Thuyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 058.3822987 Fax: 058.3827908 Email:syt@khanhhoa.gov.vn
Website: https://syt.khanhhoa.gov.vn
Chịu trách nhiệm chính: BS. CK2 Bùi Xuân Minh - GĐ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa 
Chung nhan Tin Nhiem Mang