Gần đây khái niệm “Suy dinh dưỡng theo chu kỳ vòng đời” cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sớm người phụ nữ.
Để đề phòng suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ thì các vấn đề dinh dưỡng của người phụ nữ cần được quan tâm thực hiện sớm từ khi còn ở tuổi vị thành niên. Đặc biệt, ở thời kỳ người phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú là những thời kỳ sinh lý đặc biệt bởi vì người phụ nữ lúc này đang cần phải ăn để đáp ứng “nhu cầu cho hai người”. Khi mang thai, cần xây đắp và nuôi dưỡng bào thai. Khi cho con bú, cần tạo sữa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phụ nữ trước khi mang thai cần được chăm sóc dinh dưỡng như sau:

Chế độ ăn: đảm bảo số lượng cũng như chất lượng bữa ăn. Nhu cầu năng lượng hàng ngày vị thành niên là 2200-2500kcal; Lượng protein cần đạt 55-60g/ngày, lipid: 40-50g/ngày.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng: bổ sung sắt trong giai đoạn dậy thì 20mg/ngày. Đối với trẻ sau khi có kinh nguyệt và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: bổ sung sắt định kỳ (theo Tổ chức Y tế Thế giới): 1 viên sắt (60mg sắt nguyên tố) mỗi tuần liên tục trong 3 tháng rồi nghỉ 3 tháng sau đó bổ sung tiếp trong 3 tháng liên tục và lặp lại chu kỳ này. Phụ nữ 3 tháng trước khi mang thai nên bổ sung Acid folic: 100mcg/ngày
Đa dạng thực phẩm trong khẩu phần: nên ăn đa dạng thực phẩm những sản phẩm có nhiều sắt như hàu, thịt gia súc, gia cầm, rau có lá xanh thẫm, hạt toàn phần, bột đậu. Thực phẩm giàu acid folic như gan động vật, rau lá xanh…
Về tăng cường sử dụng sản phẩm giàu canxi như: sữa (cả sữa bò và sữa đậu nành), các loại thủy sản thường có nhiều canxi, xương cá cũng là nguồn canxi tốt, nên ăn cá nhỏ ninh, kho nhừ ăn cả xương.
Người phụ nữ cần được khám sức khỏe định kỳ và tư vấn sức khỏe, đặc biệt nên được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng trước khi mang thai. Theo dõi cân nặng chiều cao để chỉ số khối cơ thể BMI nên trong khoảng 18,5 đến 23,0.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cân nặng tăng lên 12,5kg thì số cân tăng này là bởi các thành phần của thai: thai nhi, nước ối và nhau thai. Sự tăng khối lượng một số mô cơ thể: tăng khối lượng máu, dịch gian bào, tăng khối lượng tử cung, tuyến vú và mô mỡ.

Nếu chia thời kỳ mang thai thành 3 giai đoạn 3 tháng một, thì sự tăng cân trong 3 thời kỳ này rất khác nhau: sau 3 tháng đầu thai nghén, cân nặng của người mẹ chỉ tăng được khoảng 1-2 kg, sau 3 tháng tiếp theo cân nặng có thể tăng được khoảng 4-5 kg. Đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng cuối, cân nặng có thể tăng bằng cả 2 giai đoạn trước gộp lại, tức là có thể tăng 6-7 kg. Những phụ nữ có cân nặng tăng đạt được cân nặng mong muốn như vậy mới có thể sinh được những đứa trẻ có cân nặng sơ sinh từ 3-4 kg và mới có thể đủ lượng mỡ dự trữ giúp cho việc tạo sữa đầy đủ trong thời kỳ nuôi con bú sau này.
Về khối lượng máu sẽ tăng nhanh và đến 3 tháng cuối, khối lượng máu sẽ tăng hơn lúc bình thường khoảng 35-40%, trong đó cơ bản là do tăng khối lượng huyết tương 45-50% còn lượng hồng cầu chỉ tăng khoảng 15-20%. Vì sự tăng khối lượng hồng cầu với một tương quan thấp hơn so với tăng huyết tương nên giá trị Hemoglobin và Hematocrit ở giai đoạn 3 tháng giữa là thấp nhất và tăng trở lại vào 3 tháng cuối.
Riêng với năng lượng, để đơn giản khi tính nhu cầu cho phụ nữ có thai, người ta tính như tính cho một người phụ nữ trưởng thành trong độ tuổi lao động bình thường sau đó cộng thêm 350kcal/ngày ở giai đoạn có thai 3 tháng giữa và 500kcal/ngày ở giai đoạn có thai 3 tháng cuối.
Về chế độ ăn, theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng năm 2012: có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 360kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm đầy và thức ăn hợp lý), 3 tháng cuối nên tăng 475kcal/ngày (tương đương 2 bát cơm và thức ăn hợp lý).
Bà mẹ cần được tăng cường chất đạm và chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Trước hết cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc. Đây là những thức ăn rẻ hơn thịt, có hàm lượng đạm cao, lại có lượng chất béo nhiều giúp tăng năng lượng bữa ăn và giúp hấp thu tốt các nguồn vitamin tan trong dầu. Chất đạm động vật đáng chú ý là từ các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc… và có điều kiện nên cố gắng có thêm thịt, trứng, sữa… Chất đạm đặc biệt quan trọng ở 3 tháng đầu cho việc tạo hình và xây dựng các tổ chức nội tạng trong cơ thể như tim, gan, phổi và nhất là tế bào thần kinh. Nhu cầu cần tăng 10-15g/ngày cho 6 tháng đầu và 12-18g/ngày cho 3 tháng cuối.
Tăng cường chất khoáng và vitamin giúp thai nhi phát triển và đáp ứng nhu cầu cho người mẹ: các chất khoáng và vi chất dinh dưỡng chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng, đặc biệt là giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ có thai.
Văn Hanh