Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, ước tính năm 2016, có 31% số trường hợp tử vong trên toàn quốc là do bệnh tim mạch. Đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân quan trọng của bệnh tim mạch. Báo cáo điều tra quốc gia 2015 cho kết quả, cứ 5 người trưởng thành Việt Nam có 01 người bị tăng huyết áp; 20 người có 01 người đái tháo đường. Theo đó Việt Nam có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp; 3 triệu người đái tháo đường. Có gần 60% người mắc tăng huyết áp, gần 70% người mắc đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh; chỉ có khoảng 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường hiện đang được điều trị; gần 30% người có nguy cơ bệnh tim mạch được quản lý, dự phòng.
Theo các chuyên gia tim mạch:
- Giảm muối: Cho bớt muối (mắm và các gia vị mặn khác) khi nấu ăn; Bỏ việc để muối và gia vị mặn trên bàn ăn; Hạn chế ăn các thực phẩm mặn như dưa muối, cà muối, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp.
- Duy trì cân nặng lý tưởng: Thông qua chế độ ăn uống và hoạt động thể lực. Cân nặng lý tưởng khi có BMI = 22. Cân nặng lý tưởng = 22 x chiều cao (m) x chiều cao (m). Tính nhanh: Lấy 2 số cuối của chiều cao (cm) x 90%. Nếu cân nặng > cân nặng lý tưởng khuyên giảm bớt lượng thực phẩm trong khi ăn (chủ yếu là chất bột đường) và ngược lại.
- Chế độ ăn uống (Ngoài giảm muối): Ăn đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm. Duy trì ổn định chất bột đường và nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (< 55%) như thực phẩm nguyên hạt hoặc nhiều chất xơ: gạo lức, gạo giã dối, bánh mì đen, các loại khoai, củ; Biết chuyển đổi thực phẩm trong cùng nhóm. Tăng cường ăn rau quả để cung cấp chất xơ, vitamin và muối khoáng, bảo đảm ăn đủ 5 đơn vị chuẩn (400g)/ngày. Mỗi đơn vị chuẩn là 80g, tương đương với ½ bát con (bát/chén ăn cơm) rau đã nấu hoặc 1 quả cam nhỏ hoặc 01 quả chuối cỡ vừa. Hạn chế thực phẩm nguồn gốc động vật nhiều mỡ. Nên ăn đậu, vừng, lạc, cá, nếu ăn thịt gà nên bỏ da.
- Tăng cường hoạt động thể lực: Bảo đảm tối thiểu ở mức độ vừa (có tăng nhịp tim) và > 30 phút/ngày x 5 ngày/tuần; Cần tập luyện đối kháng ít nhất 2 lần/tuần (nếu sức khỏe cho phép). Không ngồi một chỗ quá lâu.
- Không hút thuốc lá.
- Không nên uống rượu, bia. Nếu có uống thì nên hạn chế: Mỗi ngày chỉ uống < 02 đơn vị cồn (nam), nữ: < ½ nam. Một đơn vị cồn tương đương với ¾ lon bia 330ml (5%). Công thức tính: Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi). Có thể tính nhanh 1 đơn vị bằng 01 chén/ly/cốc (loại chuyên dùng để uống loại rượu, bia đó).
- Uống thuốc đầy đủ và đúng giờ.
- Theo dõi tiến triển và các biến chứng: Định kỳ đo huyết áp và xét nghiệm đường máu; Định kỳ thử nước tiểu (kiểm tra protein, xeton); Nên đi khám mắt lúc bắt đầu phát hiện ĐTĐ và tái khám 1 lần/2 năm nếu không có bất thường và ĐM được kiểm soát tốt; hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Theo dõi và dự phòng biến chứng bàn chân: Tránh đi chân đất hay không mang tất; Rửa chân bằng nước ấm (chú ý kiểm tra độ nóng của nước) và lau khô đặc biệt ở các kẽ ngón chân; Không cắt móng chân quá sát; Không được cắt vết chai, không bôi đắp các chất hóa học vào các vết chai; Kiểm tra bàn chân hằng ngày, nếu thấy bất thường, có vết thương, mất hoặc giảm cảm giác cần đi khám ngay.
Chăm sóc bàn chân đái tháo đường:
- Rửa chân bằng nước ấm.
- Lau khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân.
- Thoa kem dưỡng ẩm (không thoa các kẽ ngón chân).
- Kiểm tra các vết phồng rộp, xước, đỏ da.
- Cắt, giũa móng chân. Không được cắt vết chai
- Thay tất hàng ngày, không dùng tất quá chật.
- Không đi chân đất.
- Kiểm tra giầy, dép hàng ngày.
Phát hiện và xử lý hạ đường máu: Hay xảy ra khi uống thuốc quá liều hoặc ăn ít, luyện tập nhiều. Biểu hiện: Vã mồ hôi, đói lả, bủn rủn chân tay. Xử lý: Uống nước có đường (10-15g) hoặc ăn bánh kẹo và nên mang theo bánh kẹo nhất là khi tập luyện. Nên đi khám lại sau khi hết triệu chứng để chỉnh liều thuốc.
Các yếu tố nguy cơ của hạ đường máu
- Hành vi: Bỏ bữa hay ăn không điều độ; Uống rượu hay dùng thuốc; Vận động thể dục; Dùng thuốc hạ đường máu không đúng.
- Vấn đề thực thể: Lớn tuổi; Bệnh ĐTĐ lâu năm; Bệnh đi kèm; Suy thận, suy gan; Không nhận biết hạ đường máu.
- Điều trị: Thuốc hạ đường máu insulin và sulfonylureas. Dùng phối hợp thuốc (aspirin, warfarin, NSAIDs).
Các triệu chứng của hạ đường máu: Đường máu < 3,9mmol/l. Dấu hiệu sớm: Đói, đau đầu nhẹ. Nặng lên: Vã mồ hôi, lo sợ, đánh trống ngực, run. Các triệu chứng nặng: Lẫn lộn, nói khó, kích thích. Hôn mê, tử vong.
Phúc Nguyên